• :
  • :

Giải pháp tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn ở Bình Phước

Kính tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mới đối với tỉnh Bình Phước, do đó cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, có sự đổi mới tư duy của doanh nghiệp và toàn dân. Đồng thời, cần có mục tiêu, lộ trình cụ thể để tiếp cận, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo theo xu hướng kinh tế tuần hoàn, đây sẽ là tiền đề tiên quyết để giải quyết các thách thức vì sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn tới.
Kinh tế tuần hoàn có thể hiểu là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Tính ưu việt của mô hình kinh tế này là việc quản lý, sử dụng, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải và đã được Đảng ta định hướng phát triển trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Quan điểm định hướng của Đảng về phát triển kinh tế tuần hoàn

Từ mô hình tổng thể có thể thấy, với mô hình kinh tế truyền thống tập trung khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ, do đó sẽ tạo ra một lượng lớn chất thải ra môi trường, còn mô hình kinh tế tuần hoàn ngay từ khâu thiết kế đã tính toán đến việc quản lý, sử dụng và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Nhờ tính ưu việt này mà xu hướng hiện nay các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều quan tâm nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế toàn hoàn phù hợp với điều kiện, đặc điểm của mỗi quốc gia. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 được Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn”.
 
/upload/1003293/20220421/558678f6855bf0a9b3235fdd87fd67cdktthoan.png_dpi%3D150_quality%3D100_w%3D800.jpg
Mô hình tổng thể kinh tế tuần hoàn (nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/)

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam (Đề án 687), trong đó đề ra mục tiêu: Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Phát triển kinh tế tuần hoàn của Bình Phước thời gian qua

Quán triệt quan điểm, định hướng của Trung ương, Bình Phước đã xác định rõ những lợi ích, tính ưu việt của mô hình kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. Những mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế tuần hoàn của Trung ương đề ra, đều được Bình Phước cụ thể hoá, lồng ghép trong các chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chủ trương phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Qua đánh giá tình hình thực hiện Đề án 687 của Chính phủ, tỉnh Bình Phước đã triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số, thực hiện mô hình chuyển đổi số doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việt làm; quy hoạch xây dựng 10 nhà máy xử lý chất thải rắn (chất thải rắn sinh hoạt: 01 nhà máy; công nghiệp, nguy hiểm: 09 nhà máy); 10 nhà máy thuỷ điện, 05 nhà máy điện năng lượng mặt trời; xây dựng mô hình chăn nuôi dê ở Lộc Ninh, Bù Đốp: tận dụng nguồn thức ăn từ vườn trồng hồ tiêu để nuôi dê; chất thải của đàn dê ủ, bón lại cho vườn tiêu, giúp giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp; mô hình ép dầu điều từ phế phẩm vỏ hạt điều ở Công ty TNHH chế biến nông sản Phước Thành (Phước Long). Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị hạn chế, việc thiết kế quy trình sử dụng, tái sử dụng các nguyên liệu đầu vào/đầu ra gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các mô hình kinh tế tuần hoàn chưa nhiều, chưa thực sự tiêu biểu…
 
Với công suất 40 máy ép, mỗi ngày Công ty TNHH chế biến nông sản Phước Thành (phường Phước Bình, TX. Phước Long) tiêu thụ khoảng 1.500 tấn vỏ điều để sản xuất dầu điều, đây là mô hình tốt để phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến hạt điều
 
Hiện nay, Bình Phước có hơn 200 công ty, doanh nghiệp và khoảng 1.400 cơ sở chế biến hạt điều, có khoảng 30 nhà máy ép dầu điều. Khi việc sản xuất nhân điều phát triển sôi động thì lượng vỏ hạt thải ra cũng rất lớn. Vỏ hạt điều là thứ mà nhiều người cho là phế phẩm, thế nhưng hiện nay đóng góp của ngành sản xuất dầu điều không chỉ về mặt kinh tế mà còn góp phần giải quyết vấn đề xử lý chất thải, từng bước giải quyết bài toán trong xử lý môi trường. Đây là những mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn của Bình Phước cần được nhân rộng

Các giải pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới

Bình Phước là tỉnh có tiềm năng đất đai, phát triển lâm nghiệp, năng lượng tái tạo… Do đó để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, gắn với tăng trưởng xanh, đưa Bình Phước chuyển từ vị trí “dự trữ phát triển” thành một động lực phát triển thực sự trong vùng Đồng Nam Bộ theo Quy hoạch tỉnh, Bình Phước cần có những giải pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn một cách đồng bộ như:

Thứ nhất, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các chủ trương, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình hành động 17-CTr/TU của Tỉnh uỷ, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, để xác định rõ ngành mũi nhọn, lĩnh vực trọng điểm, khả năng tiếp cận công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, phát triển các mô hình kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn để bổ sung chủ trương, định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới, có như vậy mới có thể nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị để vận hành sự phát triển của tỉnh theo đúng xu thế phát triển chung của cả nước và thế giới.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt, cụ thể hoá phù hợp với điều kiện của tỉnh để thực hiện có hiệu quả Đề án 687, của Chính phủ; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 về Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa; Luật Bảo vệ môi trường và các chủ trương, định hướng của Trung ương về phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn…
 
Khi việc sản xuất điều nhân phát triển sôi động thì chế biến dầu từ vỏ hạt điều là lĩnh vực với tiềm năng về lợi ích và công dụng vô cùng lớn trong phát triển kinh tế tuần hoàn (nguồn: Báo Bình Phước online)

Thứ ba, nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của tỉnh, chú trọng các ngành, lĩnh vực thân thiện môi trường, phát triển hạ tầng đô thị thông minh, dự án/khu đô thị thông minh; áp dụng quy trình sản xuất sạch, sử dụng nguyên liệu hữu cơ, công nghệ tiên tiến và quy trình sản xuất khép kín; nghiên cứu cập nhật các quy định để ban hành danh mục các tiêu chí, tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn phù hợp với đặc điểm thực tiễn của tỉnh, nhằm tạo ra công cụ hỗ trợ, hướng dẫn và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; tạo môi trường minh bạch, công bằng để doanh nghiệp, người dân tiếp cận chính sách, nguồn lực đổi mới, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, phát triển kinh tế tuần hoàn tại Bình Phước trong giai đoạn tới.

Thứ tư, tăng cường hợp tác với các Bộ, ngành Trung ương, địa phương trong việc tổ chức các chương trình, hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm các mô hình kinh tế tuần hoàn; xây dựng liên kết chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ trong chuỗi liên ngành nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu đầu vào/đầu ra trong liên ngành, tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín trong sản xuất và tái sử dụng chất thải, hạn chế việc tạo phế thải ra môi trường.

Thứ năm, Bình Phước có lợi thế về đất đai, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có tiềm năng phát triển khoảng 35 khu công nghiệp, với tổng diện tích hơn 18.100 ha; là một trong 03 địa phương có cường độ bức xạ cao (bình quân khoảng 5,14 kWh/m2/ngày, số giờ nắng từ 2.400-2.500 giờ/năm). Do đó cần có chính sách, giải pháp đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo./. 

Tin tức nổi bật

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết