Trong không gian của khu bảo tồn, người dân tham quan được thưởng thức tiếng nhạc ngân vang của đàn đá do các nghệ nhận người S’tiêng biểu diễn. Tiếng nhạc đàn đá, hòa cùng với điệu nhảy của các nghệ nhân đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho du khách trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Hồng Huê, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Qua theo dõi một số hoạt động của lễ hội từ hôm qua đến nay tôi thấy rất ý nghĩa, đa dạng và phong phú. Lễ hội đã tái hiện được không gian đời sống, văn hóa tinh thần, lịch sử của đồng bào nơi đây. Tôi thấy rất ấn tượng về lễ hội này. Tôi sẽ về tuyên truyền, giới thiệu đến người thân, bạn bè, sang năm chúng tôi sẽ có chuyến du ngoạn về lại nơi đây”.
Trong những ngày tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, bà con S’tiêng nơi đây đã không quản ngại ngày đêm giã gạo cho bộ đội ăn no đánh giặc. Hình ảnh ấy đã trở thành biểu tượng bất diệt của người đồng bào S’tiêng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Thời đại hôm nay, thế hệ trẻ nhiều người không còn biết giã gạo là như thế nào. Lễ hội đã tái hiện lại hình ảnh giã gạo, giá trị của lao động gian khổ của bà con ngày ấy.
Chị Thị Xuân ở thôn 2, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng xúc động nói: “Tham gia lễ hội hôm nay, đặc biệt trực tiếp tham gia phần thi giã gạo tôi rất xúc động vì như được sống lại thời kỳ gian khổ của thế hệ cha ông mình. Đặc biệt là vang mãi tiếng chày thời kỳ thế hệ cha ông mình ngày đêm giã gạo nuôi bộ đội. Là thế hệ trẻ, bản thân tôi sẽ tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cha ông để lại”.
Có thể nói, chuỗi hoạt động biểu diễn đàn đá; thi giã gạo, nấu cơm; lễ hội ẩm thực, kết bạn cộng đồng không chỉ giáo dục thể hệ trẻ S’tiêng nói riêng và cộng đồng dân tộc thiểu số Bù Đăng nói chung nhận thức về truyền thống tốt đẹp của cha ông mà còn góp phần giữ gìn và bảo tồn những giá trị di sản văn hóa dân tộc./.
https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/165091/dac-sac-le-hoi-vang-mai-tieng-chay-tren-soc-bom-bo