Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Trưởng Ban chỉ đạo Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh chủ trì chương trình đối thoại. Chương trình thu hút hơn 200 đại biểu là cán bộ đoàn, hội, công chức phụ trách công tác thanh niên, đoàn viên, hội viên thanh niên tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Gửi câu hỏi đến lãnh đạo tỉnh, đoàn viên Võ Sang, Đoàn xã Long Giang, thị xã Phước Long có ý kiến: Hiện nay, tỉnh có những biện pháp nào giúp đỡ thanh niên đồng bào DTTS tiếp cận công nghệ số; giúp họ vận dụng công nghệ số để quảng bá, giới thiệu cho mọi người biết đến di sản văn hóa của đồng bào trên các nền tảng công nghệ số. Giải pháp nào để đẩy mạnh việc số hóa các di sản văn hóa của tỉnh trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Phong cho biết:Hiện nay, Sở đã được UBND tỉnh giao và phê duyệt triển khai nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Trong đó, có nhiệm vụ mở 12 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng để đảm bảo vận hành, duy trì hoạt động của điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT. Đơn vị đã tổ chức tập huấn trong tháng 9/2024.
Sau khi được tập huấn kiến thức, kỹ năng có thể vận dụng công nghệ số để quảng bá, giới thiệu cho mọi người biết đến di sản văn hóa của đồng bào trên các nền tảng công nghệ số như: Nền tảng Cổng du lịch thông minh tỉnh Bình Phước tại địa chỉ http://dulich.binhphuoc.vn. Hiện trên Cổng du lịch thông minh của tỉnh đã có các chức năng quảng bá giới thiệu về ẩm thực, điểm đến của các địa điểm trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục triển khai giới thiệu các điểm đến bằng công nghệ 360 và thực tế ảo AVR.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đang triển khai dự án: “Đầu tư thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền số, địa phương thông minh tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025”. Trong đó, đơn vị đã triển khai nền tảng quản lý hiện vật bằng công nghệ 3D/Vr360 trên địa bàn tỉnh và triển khai chức năng phân hệ quản lý các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng công nghệ 3D/Vr360. Dự kiến sẽ đưa vào vận hành, hoạt động trong tháng 12/2024 và phân quyền sử dụng cho các đối tượng cụ thể theo nhu cầu xây dựng dữ liệu quảng bá, bao gồm cả di sản của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các hướng dẫn, video, bài giảng về công nghệ, chuyển đổi số được đưa lên các cổng, trang web mỗi sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, qua các nền tảng mạng xã hội chính thống, qua Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước và truyền thanh thông minh.
Trả lời câu hỏi của đoàn viên Võ Sang về trách nhiệm, vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, thanh niên cần làm gì để phát huy và giữ gìn những nét văn hóa giai đoạn hiện nay, Bí thư Tỉnh đoàn Trần Hoàng Trực cho biết: Bình Phước với gần 300 ngàn thanh niên, chiếm gần 30% dân số của tỉnh. Thanh niên là những người được thụ hưởng nhiều giá trị của văn hóa, đồng thời là những người tiếp xúc nhiều nhất với những giá trị văn hóa mới, có khả năng sáng tạo và đổi mới cao sẽ trở thành lực lượng đông đảo nhất tạo ra những sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Để góp phần đẩy mạnh hiệu quả của công tác xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, con người Bình Phước, thanh niên cần có trách nhiệm góp sức từ những việc nhỏ nhất như: Đề xuất các giải pháp, sáng kiến trong tuyên truyền, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Tham gia tu sửa, tôn tạo, bảo tồn và giữ gìn các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương. Tuyên truyền và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; chia sẻ rộng rãi thông tin, sản phẩm văn hóa của đồng bào các dân tộc, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội; tích cực rèn luyện bản thân trong các phương diện... Trong thời kỳ hội nhập quốc tế và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, vai trò và tầm quan trọng của thanh niên càng được khẳng định hơn bao giờ hết. Đặc biệt trong xây dựng và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, cũng như quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra quốc tế. Mỗi thanh niên Việt Nam là một sứ giả văn hóa, góp phần xây dựng và bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của nước nhà. Hơn ai hết đoàn thanh niên phải thổi hồn vào nền văn hóa, biết tự hào về nền văn hóa và từ đó có ý thức bảo tồn.
Thanh niên Lê Ngọc Dung,Câu lạc bộ Zumba-Dance Bình Phước, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Phước nêu câu hỏi: Tỉnh đã ban hành các văn bản nào để chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan trong chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao đối với thanh niên theo Điều 20 Luật Thanh niên năm 2020? Chính sách của địa phương về văn hóa, thể dục, thể thao đối với thanh niên hiện nay và những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách này thời gian qua?
Trả lời vấn đề này ông Vũ Thanh Ngữ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao đối với thanh niên, điển hình như: Ngày 07/12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 40/NQ-HĐND về phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030. Ngày 25/02/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2030. Trong đó, mục tiêu của UBND tỉnh đề ra tại Quyết định số 340 là: Chiến lược phát triển thanh niên là một bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030 góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng và phát huy vai trò là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Quyết định số 340, UBND tỉnh ra 8 nhiệm vụ giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030.
Về kết quả thực hiện các chính sách, trên căn cứ chỉ đạo của UBND các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch để triển khai, thực hiện tạo điều kiện cho thanh niên các địa phương phát triển tốt hơn; có điều kiện và được tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, tham quan, du lịch về nguồn. Thanh niên được khơi gợi, thúc đẩy, phát huy năng khiếu bản thân thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao. Tạo môi trường, cơ chế tốt để thanh niên tham gia các hoạt động sáng tạo, phát triển bản thân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và góp phần xây phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố cơ bản sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình được triển khai hiệu quả.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, chân tình và đạt hiệu quả, đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn có nhiều câu hỏi gửi đến với lãnh đạo tỉnh tập trung một số nhóm vấn đề: Chính sách thúc đẩy du lịch tại địa phương tạo điều kiện cho thanh niên chung tay phát triển văn hóa, thể dục, thể thao. Sự quan tâm lựa chọn ngành nghề của thanh niên, đặc biệt là thanh niên đối với học nghề truyền thống. Trách nhiệm, vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Sự quan tâm lựa chọn ngành nghề của thanh niên. Các vấn đề về ứng dụng công nghệ số trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, bản sản các dân tộc.
Tại chương trình đối thoại, các sở, ngành đã giải đáp thấu đáo, đầy đủ, chính xác các nội dung mà đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Phước quan tâm.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Trưởng Ban chỉ đạo Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh đánh giá cao những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, thanh niên tại chương trình đối thoại. Bảo đảm đúng trọng tâm, thực tế, bám sát chủ đề chương trình. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng của quê hương Bình Phước. Phát huy vai trò của thanh niên trong việc nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Thông qua nội dung đối thoại làm cơ sở để các sở, ngành tham mưu, kiến nghị hoàn thiện hệ thống, chính sách, pháp luật trong công tác xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa con người Việt Nam nói chung và con người Bình Phước nói riêng./.
c
https://baobinhphuoc.com.vn/news/73/165337/hon-200-dai-bieu-thanh-nien-doi-thoai-voi-lanh-dao-tinh