• :
  • :

Quy định cụ thể về chính sách với nhà giáo dạy ở các trường chuyên biệt

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể hơn chính sách thu hút nhà giáo về công tác ở các vùng dân tộc thiểu số, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ nhà giáo dạy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên do tính chất khó khăn, phức tạp tại các cơ sở giáo dục này.

Từ thực tiễn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo làm rõ các chính sách, quy định lại từ các luật chuyên ngành hiện hành và từ những chính sách thực tiễn chúng ta đã, đang phát triển các quy định của văn bản dưới luật đưa vào dự thảo luật, đồng thời phải làm rõ về nguồn lực dự kiến thực hiện các chính sách mới để từ đó có đủ cơ sở khi chúng ta triển khai thực hiện.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo

Về quyền của nhà giáo, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, việc quy định các quyền của nhà giáo là rất quan trọng, sẽ tạo ra các chính sách minh bạch, hiệu quả để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, tạo động lực đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. 

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và được Nhà nước, cơ sở giáo dục đảm bảo chi trả về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Vì thực tế qua tiếp xúc cử tri, nhà giáo trong khu vực công là viên chức khi được cử đi đào tạo chỉ được hỗ trợ đối với những nơi có điều kiện là 30% đến 50% nhưng có nhiều nơi không có điều kiện thì nhà giáo sẽ không được hưởng mức hỗ trợ này. Điều này ảnh hưởng đến việc nâng cao trình độ và yêu cầu của sự nghiệp giáo dục. 

Các đại biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu đề nghị bổ sung một điểm tại khoản 2, Điều 8 của dự thảo luật là được trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học cần thiết để giảng dạy theo chương trình hiện hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập của học sinh, sinh viên.

Luật Nhà giáo trình Quốc hội lần này có cấu trúc và nội dung cơ bản gồm 5 chính sách lớn, thể hiện trong 9 chương, 50 điều. Dự thảo Luật Nhà giáo có 6 điểm mới cơ bản. Cụ thể:

Thứ nhất, lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập.

Thứ hai, nhà giáo được chuẩn hóa qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp.

Thứ ba, chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp.

Thứ tư, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo.

Thứ năm, chính sách tiền lương và đãi ngộ.

Thứ sáu, quản lý nhà nước về nhà giáo.

Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.


Dự thảo luật quy định đối với giáo viên mầm non và giáo viên đang giảng dạy ở các vùng đặc biệt khó khăn, ở cấp phổ thông được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi đối với giáo viên nữ và 60 tuổi đối với giáo viên nam thì được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định và sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Theo quan điểm của ban soạn thảo là phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, thực tiễn cũng như theo nguyện vọng của đông đảo nhà giáo. Tuy nhiên, để chính sách này có hiệu quả trong thực thi, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo đánh giá lại tác động của chính sách này theo quy định của các bộ luật hiện hành, từ đó sẽ ban hành các chính sách phù hợp hơn.


Tin tức nổi bật

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết